Cuộc hồi sinh của cô bé đối đầu thế lực Taliban

Khi Taliban chiếm thủ đô của Afghanistan hai tuần trước, Malala đang trải qua cuộc phẫu thuật thứ 6. Sau 9 năm bị Tabiban ám sát, cô vẫn sống sót và làm nên những điều kỳ diệu.

Tại Pakistan, sự ra đời của một bé gái không phải lúc nào cũng là tin mừng. Song, cha mẹ của Malala Yousafzai hạnh phúc vì sự ra đời của con. Cha cô là người yêu chuộng hòa bình, đã thành lập một trường nữ sinh ở thung lũng Swat. Trong vài năm đầu đời, quê hương của Malala vẫn là một điểm du lịch nổi tiếng, với các lễ hội mùa hè sôi động.


Bố mẹ Malala là những người đấu tranh vì hòa bình và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Malala.org

Bố mẹ Malala là những người đấu tranh vì hòa bình và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Ảnh: Malala.org

Những ngày bình yên chấm dứt khi Taliban tràn vào. Các trường học phải đóng cửa, trẻ em gái không được phép đến trường. Lúc ấy, mới 10 tuổi, Malala đã dám đứng lên cất tiếng nói của mình. Tháng 9/2008, cô bé có bài phát biểu với tiêu đề “Tại sao Taliban tước quyền giáo dục cơ bản của tôi?“.

Bất chấp sự cấm đoán, cô bé Malala tiếp tục đến trường, đồng thời kêu gọi những người bạn gái không từ bỏ việc học. Cô bắt đầu viết nhật ký cho một tờ báo tiếng Anh để những người bên ngoài Pakistan có thể biết được tình hình của đất nước mình.

Hoạt động tích cực đã cho Malala cơ hội đề cử Giải thưởng Hòa bình cho Trẻ em Quốc tế năm 2011. Cùng năm đó, cô được trao Giải thưởng Hòa bình Quốc gia dành cho thanh thiếu niên của Pakistan. Nhiều lần bị dọa giết, song Malala chỉ lo cho bố, bởi cô và gia đình không nghĩ Taliban sẽ làm hại một đứa trẻ.

Ngày định mệnh 9/10/2012, Malala, 15 tuổi, đang trên chiếc xe bus về nhà sau buổi học thì một tay súng đeo mặt nạ nhảy lên xe. Người này hỏi: “Malala là ai?”. Giữa tất cả những khuôn mặt lo sợ, cúi gằm, Malala nhìn thẳng. Tay súng dễ dàng nhận ra, nhằm thẳng đầu Malala bắn. Cô thiếu nữ ngã xuống, không một tiếng la hét.

Phát đạn khiến Malala nguy kịch, phải chuyển qua nhiều bệnh viện, cuối cùng sang Anh để giành mạng sống. Sau nhiều tháng phẫu thuật và phục hồi chức năng, Malala cùng gia đình an toàn trong ngôi nhà mới ở Anh.

“Những kẻ khủng bố nghĩ rằng chúng sẽ thay đổi mục tiêu và ngăn chặn sứ mệnh của tôi, nhưng không có gì thay đổi trong cuộc sống của tôi, ngoại trừ điều này: sự yếu đuối, sợ hãi và vô vọng đã chết. Sức mạnh, quyền lực và lòng dũng cảm đã được sinh ra“, cô nói.

Chín tháng sau khi sống sót, cô gái có bài phát biểu dậy sóng Liên Hợp Quốc: “Tôi đứng đây, một cô gái trong số nhiều cô gái. Tôi cất tiếng nói không phải cho bản thân, mà cho tất cả trẻ em gái và trẻ em trai. Tôi cất to tiếng không phải để hét, mà để những ai không có tiếng nói có thể được nghe thấy. Những người đã đấu tranh vì quyền của mình: Quyền được sống trong hòa bình, Quyền được đối xử tôn trọng, Quyền bình đẳng về cơ hội, Quyền được hưởng giáo dục…“.

Hôm đó là ngày 12/7/2013, cũng là sinh nhật thứ 16 của Malala. Liên Hợp Quốc quyết định ngày 12/7 được là “Malala Day” – ngày của quyền được học hành của các bé gái và phụ nữ khắp hành tinh.


Malala được giải Nobel Hòa Bình năm 2014 - lúc 17 tuổi. Ảnh: AFP.

Malala được giải Nobel Hòa Bình năm 2014 – lúc 17 tuổi. Thông điệp cuộc đời cô là: “Tôi kể câu chuyện của mình không phải vì nó là duy nhất, mà vì nó là câu chuyện của nhiều cô gái”. Ảnh: AFP.

Sau đó, cô cùng cha thành lập Quỹ Malala, một tổ chức từ thiện hoạt động sôi nổi để mọi cô gái có cơ hội lựa chọn tương lai của mình. Một năm sau, Malala Yousafzai trở thành người trẻ nhất lịch sử nhận được giải Nobel Hòa Bình danh giá. Cô đã sử dụng số tiền được giải để xây dựng một trường trung học cho nữ sinh ở Pakistan và đánh dấu tuổi 18 bằng một trường cho trẻ em Syria trong một trại tị nạn ở Lebanon. Cô cũng là sứ giả hòa bình của Liên Hợp Quốc trong nhiệm kỳ 2 năm.

Cựu Thủ tướng Shahid Khaqan Abbasi từng nói về Malala như một anh hùng của Pakistan. “Cô ấy là người có tầm ảnh hưởng trong lịch sử của Pakistan. Thế giới đã vinh danh cô và Pakistan cũng sẽ như vậy. Đây là quê hương của cô ấy. Đất nước chúng tôi có nhiệm vụ bảo vệ cô ấy”.

Hơn hai tuần trước, khi quân đội Mỹ rút khỏi Afghanistan và Taliban giành được quyền kiểm soát, Malala đang nằm trên giường bệnh ở Boston (Mỹ), trải qua cuộc phẫu thuật thứ sáu. Ngay khi tỉnh lại, cô đã có nhiều hoạt động tiếp tục sứ mệnh đã lựa chọn. Trong bài viết trên trang cá nhân với tựa đề “Hồi sinh từ một viên đạn của Taliban”, cô viết: “Ngày 9/8, tôi thức dậy ở Boston, lúc 5h sáng để đến bệnh viện cho ca phẫu thuật mới nhất, thì nghe tin Taliban đã chiếm được thành phố lớn đầu tiên ở Afghanistan. Trong vài ngày tiếp theo, băng quấn quanh đầu, tôi vẫn xem những thành phố khác ngã xuống trước những người đàn ông cầm súng. Tôi cảm tưởng như họ đang bắn mình.

Ngay khi có thể ngồi dậy, tôi gọi điện, viết thư cho các nguyên thủ quốc gia trên khắp thế giới và nói chuyện với các nhà hoạt động nữ quyền còn lại ở Afghanistan. Trong hai tuần qua, chúng tôi đã có thể giúp một số người đến nơi an toàn. Nhưng tôi biết, không thể cứu tất cả.

Khi Taliban bắn tôi, các nhà báo ở Pakistan và một số hãng truyền thông quốc tế đã đăng tải về vụ tấn công và mọi người trên khắp thế giới đã phản ứng. Câu chuyện có thể đã khác, nếu vụ ám sát chỉ đăng ở một mục tin tức địa phương.

Nếu không có đám đông cầm bảng hiệu “Tôi là Malala”, không có hàng nghìn lá thư và lời đề nghị hỗ trợ, lời cầu nguyện của mọi người và các bài báo, tôi có thể đã không được chăm sóc y tế. Cha mẹ tôi chắc chắn sẽ không thể tự trang trải chi phí. Tôi có thể đã không sống sót.

Chín năm sau, tôi vẫn đang hồi phục chỉ sau một viên đạn. Người dân Afghanistan đã hứng chịu hàng triệu viên đạn trong bốn thập kỷ qua. Trái tim tôi tan nát khi nghĩ đến những người đã khuất, những tiếng kêu cứu không được đáp lại”.


Malala trong ca phẫu thuật hôm 9/8 vừa qua và hộp sọ cô đặt trên giá sách ở nhà. Ảnh: Instagram Malala Yousafzai

Malala trong ca phẫu thuật hôm 9/8 vừa qua và hộp sọ cô đặt trên giá sách ở nhà. Ảnh: Instagram Malala Yousafzai

Gần đây, Malala một lần nữa bị Taliban đe dọa. “Lần sau, sẽ không có sai sót”, thông điệp trên Twitter hồi tháng 2 vừa qua của chiến binh cực đoan Ehsanullah Ehsan – người đã bắn Malala vào năm 2012. Vụ việc khiến Malala yêu cầu quân đội Pakistan và Thủ tướng Imran Khan giải thích tại sao Ehsan trốn được sự giám sát của chính phủ. Tay súng này bị bắt vào năm 2017 nhưng đến tháng 1/2020, hắn đã trốn thoát khỏi nơi đang bị cơ quan tình báo Pakistan giam giữ, trong sự khó hiểu.

Cuộc sống với Malala – nữ sinh tốt nghiệp ngành Triết học, Chính trị và Kinh tế tại Đại học Oxford – vẫn còn nhiều khó khăn, với nhiều hiểm nguy. Nhưng Malala vẫn đang dũng cảm đi trên con đường đòi quyền cơ bản: quyền được đi học cho 130 triệu trẻ em gái trên hành tinh.

Bảo Nhiên (Theo Malala, Indiatoday, Biography)

Nguồn: VNEXPRESS

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *