‘Bậc thầy’ về dòng tranh cực thực Đỗ Quang Em, đời và nghề phân minh

Lúc còn sống, khi được hỏi quan điểm về tranh thị trường, Đỗ Quang Em trả lời: “thực sự tôi không biết, vì suốt đời chỉ vẽ một kiểu như vậy”. Còn vẽ là nghề hay nghiệp?: “Tôi cũng không biết, dù đã chọn vẽ ngay từ trẻ”.

Thật vậy, tám mươi năm cuộc đời, mấy mươi năm cầm cọ, Đỗ Quang Em theo đuổi khuynh hướng tranh cực thực (hyperrealism) tại Việt Nam, mà dường như không cố ý lưu lại vết tích giữa dòng đời mà mình đã đi qua. Có chăng, đó cũng chỉ là một khoảnh khắc mà tình cảm trong ông với những con người, vật dụng thân quen tràn ra loang loáng trên vuông vải…

Xuất thân là con trai của một nhiếp ảnh gia tài danh ở miền Nam vào những năm mươi, sáu mươi của thế kỷ 20. Đỗ Quang Em ngay từ nhỏ đã được cha dìu dắt từng bước đi vào cung đường nghệ thuật ấy, việc ông học Trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định cũng là sự hoạch định cho việc kế thừa tiệm ảnh của người cha. Nhưng, chẳng mấy ai ngờ được, khi ông tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật cũng chính là lúc ông đóng cửa tiệm ảnh của cha để chuyên tâm đi theo con đường cầm cọ.

Người đi giật lùi về dĩ vãng

Sau này, khi báo giới nhắc lại sự việc trên, Đỗ Quang Em trả lời rất nhẹ nhàng rằng “dù hội họa hay là nhiếp ảnh thì điều quan trọng nhất vẫn là tâm hồn của người nghệ sĩ. Còn khác chăng thì trong hội họa người họa sĩ cầm cọ để vẽ, còn trong nhiếp ảnh người chụp ảnh dùng máy móc, kỹ thuật để ghi lại hình ảnh mà thôi”.

Trong cuộc đời cầm cọ của mình, Đỗ Quang Em đã lựa chọn cho bản thân mình một tôn chỉ rất riêng là phải vẽ cho thực hết mức có thể, đánh đổi bằng thời giờ và “sản lượng”, đánh đổi bằng sự tinh tế và quá chi li tỉ mỉ trong từng chi tiết nhỏ. Trong một chừng mực nào đó và với một số người nào đó, cách chọn lựa ấy có thể bị coi là thiếu ý tưởng so với những ai chọn lấy con đường phóng đãng, nguệch ngoạc “tung hoành” với những đường cọ đối lập hoàn toàn với Đỗ Quang Em. Song, bù lại con đường gian lao mà ông lựa chọn ấy sẽ được hoán đổi bằng thành quả của sự cặm cụi cần mẫn mà không dễ mấy ai làm được.

Có thể thấy, xuất phát điểm của Đỗ Quang Em là một tiệm chụp ảnh trứ danh thuở bấy giờ, một điều kiện mà không phải cứ mơ là thấy, muốn là được. Nhưng oái oăm thay, ông từ chối đi con đường ấy để chọn lựa một con đường đi giật lùi về dĩ vãng, để làm cái công việc mà tưởng như nó chỉ có thể tồn tại khi máy ảnh và kỹ thuật nhiếp ảnh chưa ra đời. Một chọn lựa rất mạo hiểm, nó hoàn toàn có thể trở nên là một việc làm thừa thãi khi kỹ thuật nhiếp ảnh ngày một phát triển. Nhưng ở một mặt khác, nó cũng có thể là con đường dẫn đến vinh quang. Khi hầu hết mọi người từ chối đi trên một con đường nào đó thì người dấn thân rất có khả năng sẽ trở thành độc tôn từ bước đi độc bộ độc hành của mình.

Được đánh giá là một “người đặt để ánh sáng một cách quyền uy”, với những ai đã từng xem qua tranh của Đỗ Quang Em, bất luận là giới chuyên môn hay người ngoại đạo đều không thể không chú ý đến nghệ thuật phân bố bố cục sáng tối trong tác phẩm của ông. Nếu phải dùng ngôn ngữ để diễn tả cho được, hoặc chí ít là tiệm cận với bố cục ánh sáng trong tranh của Đỗ Quang Em, có lẽ hai chữ “phân minh” là khá thích hợp. Nếu như nét họa chân thực là thể hiện bản lĩnh thực lực nghệ sĩ của Đỗ Quang Em, thì phân minh thể hiện cá tính nghệ sĩ cũng như cá tính làm người của ông.

Người đặc biệt nửa thế kỷ chỉ vẽ vợ con, tự họa và vài đồ vật dân dã của người Việt, nhưng tranh họa sĩ Đỗ Quang Em vẫn thu hút sự quan tâm của giới sưu tập quốc tế.

Họa sĩ Đỗ Quang Em vừa giã từ cuộc đời nhưng dòng tranh cực thực còn vô tình ở lại, trong một chừng mực nào đó ông đã hiện hữu như một dấu ấn đậm nét trong lịch sử hội họa Việt Nam, mà chắc rằng nhiều năm sau nữa người ta vẫn còn nhắc đến tên ông bằng tất cả sự kính vì.

Rộng hơn nữa, ngang qua con đường hội họa, Đỗ Quang Em cũng đã lưu dấu ấn của mình lên dòng chảy lịch sử văn hóa của đất nước này bằng chỉ bằng hai nét chấm phá, có lẽ khả dĩ được kết tinh gói gọn trong hai cụm từ “chân thực” và “phân minh”. Và ta có thể hiểu hai cụm từ ấy đồng thời trong ý nghĩa mô tả một đời sống, một nhân cách cá nhân, lẫn trong ý nghĩa khắc hoạ chân dung một phong cách, một nhân cách nghệ thuật.

Nguồn: Thanh Niên Online

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *